Khác với Thế vận hội ở những năm trước khi Esports chỉ là bộ môn biểu diễn thì năm nay Esports đã được phê duyệt vào danh mục bộ môn tranh huy chương tại ASIAN Games Hàng Châu 2022 diễn ra vào năm tới. Esports sẽ gồm có 8 bộ môn tham gia tranh huy chương và 2 bộ môn biểu diễn, các tấm huy chương đoạt giải sẽ được tính vào thành tích chung của các đoàn thể thao tham dự tại kỳ ASIAN Games năm sau. Đây được xem là cơ hội để đánh dấu bước phát triển hơn nữa cũng như là tin vui lớn cho cộng đồng lĩnh vực thể thao điện tử.
8 bộ môn của Esports được phê duyệt vào danh mục tranh huy chương tại ASIAN Games Hàng Châu 2022
Mới đây, trang web chính thức của Hiệp hội thể thao điện tử châu Á (OCA) đã đưa ra thông báo chính thức về việc Esports đã được phê duyệt trở thành bộ môn thi đấu tranh huy chương tại Đại hội thể thao châu Á – ASIAN Games Hàng Châu 2022. Đại hội sẽ được tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc (ASIAD 2022).
Cụ thể, OCA quyết định phê duyệt đưa 8 bộ môn thể thao điện tử vào danh mục bộ môn tranh huy chương tại ASIAN Games Hàng Châu 2022. Tổ chức này đã tìm được ý kiến thống nhất với Ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á. Thế vận hội sẽ được khởi tranh vào tháng 9 năm sau. Cùng với đó là 2 bộ môn biểu diễn khác. Thông báo chính thức từ phía Ban tổ chức ASIAN Games được công bố trong ngày 8/9.
8 bộ môn tranh huy chương gồm có Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile (bản phát hành châu Á của Vương Giả Vinh Diệu – Arena of Valor), DOTA 2, Hearthstone, Mộng Tam Quốc 2, FIFA, PUBG Mobile, Street Fighter Duel. 2 bộ môn biểu diễn là AESF Robot Masters và AESF VR Sports.
Esports không còn là bộ môn biểu diễn như ở ASIAN Games 2018
Một điểm đáng lưu ý là việc 8 bộ môn Esports này sẽ là những bộ môn tranh huy chương. Thành tích của các đội tham dự sẽ tính vào bảng tổng sắp huy chương của các đoàn thể thao. Việc giành được huy chương Esports có ý nghĩa không thua kém gì các bộ môn thể thao truyền thống. Trái ngược với kỳ ASIAN Games 2018, khi Esports chỉ là bộ môn biểu diễn.
Tại ASIAN Games Jakarta Palembang 2018 tổ chức ở Indonesia, Esports được tính vào danh mục bộ môn biểu diễn. Bộ môn có 6 tựa game gồm Liên Quân Mobile, Clash Royale, Hearthstone, Liên Minh Huyền Thoại, PES, StarCraft II. Việt Nam có vận động viên tham gia tranh tài ở cả 6 nội dung. Kết quả là giành được 4 Huy chương Đồng ở giải đấu. Trung Quốc về nhất với 3 Huy chương Vàng ở 3 bộ môn LMHT, Liên Quân Mobile và Clash Royale. Esports có tính chất là bộ môn thể thao biểu diễn tại kỳ ASIAN Games năm đó. Chúng không được tính vào thành tích chung của các đoàn thể thao tham dự các nước.
Cơ hội để cộng đồng thể thao điện tử phát triển hơn nữa
Sau một lễ ký kết trực tuyến, AESF đã chính thức trở thành đối tác duy nhất của OCA. Hai bên hợp tác độc quyền trong tổ chức và quản lý Esports tại Thế vận hội châu Á 2022. “Tôi tin rằng Á vận hội là sân khấu tốt nhất để chúng tôi chia sẻ các giá trị của Olympic với cộng đồng thể thao điện tử. Chúng tôi muốn làm cho cộng đồng thể thao điện tử phát triển hơn nữa qua cơ hội này. Chúng tôi mong đợi sự hợp tác thành công với OCA cũng như Ban tổ chức địa phương của Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 Hàng Châu 2022”, Chủ tịch AESF tuyên bố trong lễ ký kết.
Tổng Giám đốc OCA, ông Husain Al-Musallam, cho biết: “Chúng tôi hy vọng thông báo này sẽ tạo cơ hội cho các đội tham gia có nhiều thời gian để chuẩn bị và trang bị cho mình trước các giai đoạn vòng loại. Tôi tin rằng chúng tôi đã công tâm lựa chọn các bộ môn để đảm bảo không chỉ phù hợp với tất cả các đại diện mà còn có một mức độ cạnh tranh cao, hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho những người đam mê cũng như giới chuyên nghiệp”.